Khởi nghiệp yêu cầu tính thực tế cao
Xin chào anh Tuấn, trước hết anh có thể chia sẻ với bạn đọc tai sao anh lại tâm huyết với chủ đề khởi nghiệp và dành rất nhiều thời gian, công sức hỗ trợ các bạn trẻ dấn thân vào con đường này?
Học xong ra trường, các bạn trẻ có thể lựa chọn tìm việc trong một doanh nghiệp hay một tổ chức nào đó hoặc tự mình đứng ra kinh doanh. Mỗi lựa chọn đều có những ưu điểm riêng, nhưng cá nhân tôi luôn ủng hộ các bạn trẻ dám nghĩ, dám làm, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Khác với các ngành nghề khác, các bạn trẻ không dễ thành công vì chưa có nhiều vốn sống, hạn chế về vốn, về mối quan hệ… Công nghệ thông tin là một cuộc chơi bình đẳng hơn, các bạn trẻ 20 tuổi cũng có cơ hội thành công không kém các anh chị 30, 40 tuổi giàu kinh nghiêm. Chỉ cần các bạn có một số kiến thức cơ bản, có sự nhạy bén thị trường cộng với sự táo bạo là có thể thành công. Thực tế cho thấy hững người sáng lập các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook đều còn rất trẻ khi khởi sự. Tôi tin vào những người trẻ cũng như sẽ hỗ trợ hết sức mình để giúp các bạn thành công.
Anh nói khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì phải táo bạo, có người thậm chí nói là phải “mơ mộng”, anh nghĩ các bạn trẻ ở Việt Nam bây giờ đã đủ táo bạo để thành công?
Đúng là phải táo bạo dám nghĩ, dám làm nhưng tôi cho rằng đồng thời khởi nghiệp thì cũng phải rất thực tế. Tôi đã gặp nhiều bạn khởi nghiệp, các bạn có ý tưởng rất hay nhưng khi xây dựng sản phẩm và đưa ra thị trường thì lại gặp nhiều khó khăn. Các bạn cần có kỳ vọng đúng. Khởi nghiệp không phải cuộc dạo chơi, “thương trường là chiến trường” mà “vạn sự khởi đầu nan”. Theo quan sát cá nhân tôi thấy số doanh nghiệp khởi nghiệp không vượt qua được năm đầu tiên chiếm tỉ trọng không nhỏ. Một số nhà nghiên cứu nước ngoài cũng cho rằng nếu sau một năm mà doanh nghiệp khởi nghiệp (trong lĩnh vực công nghệ thông tin) không tạo ra được một sản phẩm tốt được thị trường đón nhận thì cơ hội doanh nghiệp đó mãi mãi không bao giờ tạo ra được một sản phẩm nào tốt là rất cao.
Vậy theo anh các bạn trẻ cần làm gì để “thực tế” hơn?
Trong kinh doanh, khách hàng là yếu tố quan trọng nhất. Ý tưởng có thể hay nhưng liệu thị trường có chấp nhận nó hay không? Các bạn dám khởi nghiệp thường có cái tôi rất lớn, có cái tôi lớn mới có thể đứng vững trước thử thách của cuộc chơi này. Thế nhưng các bạn cũng cần phải lắng nghe và học cách lắng nghe. Nói một các khác các bạn phải thấu hiểu được khách hàng. Khách hàng chứ không phải các co-founder mới là người có tiếng nói quyết định cuối cùng về thành công của sản phẩm.
Anh vừa mới nhận lời làm huấn luyện viên (coach) trong khóa HATCH! COACH. Anh có thể chia sẻ anh sẽ giúp các bạn tham dự khóa học trở nên “thực tế” hơn như thế nào không?
Trong khóa huấn luyện HATCH! COACH, thực tiễn thị trường là trọng tâm xuyên suốt. Cùng với Ban tổ chức và các anh chị huấn luyện viên khác, chúng tôi hướng tới giúp các bạn khởi nghiệp hoàn thiện mình hơn trong 3 lĩnh vực:
– Xác lập và kiểm nghiệm giả thiết của các bạn. Ví dụ bạn muốn bán máy đọc sách, chúng tôi sẽ định hướng và hỗ trợ các bạn đến khảo sát tại trường học để có phản hồi thực tế từ khách hàng tiềm năng.
– Xây dựng sản phẩm: chúng tôi sẽ cùng các bạn xây dựng sản phẩm mẫu dựa trên những dữ liệu thu thập được, và tiếp tục lấy ý kiến của người tiêu dùng để cải tiến thêm
– Quản lí chất lượng: với kinh nghiệm xây dựng các sản phẩm thành công và cả thất bại, chúng tôi sẽ cố gắng cao nhất để đảm bảo chất lượng của tất cả các dự án tham gia khóa học
Chúng tôi tin đây sẽ là một khóa học bổ ích, thực sự mang tới sự khác biệt và giá trị thực tế cho các dự án tham gia.
Leave a Reply